UMTERS TÌM HIỂU VỀ ĐỊA CHÍNH TRỊ TRONG KINH DOANH VỚI CHUYÊN GIA UY TÍN

Ngày đăng: 15/03/2024

Ngày 13/3/2024, Trường Đại học UMT tổ chức Workshop “Địa chính trị trong kinh doanh” với sự tham gia của chuyên gia, TS. Trần Thái Tân – Phó Giáo sư Nghiên cứu về Khởi nghiệp và Marketing Kỹ thuật số, hiện giảng dạy Địa chính trị tại Trường Kinh doanh ICD (Pháp), đồng thời là Founder của Công ty Polaris. Workshop mang đến cho UMTers kinh nghiệm thực tế để nâng cao kiến thức, kỹ năng nhằm thích ứng với sự thay đổi của thế giới kinh doanh đầy biến động.

Địa chính trị nghiên cứu vai trò và tác động của các yếu tố như vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, dân số, chính sách đối ngoại, sự kiện quan trọng hay biến cố về chính trị tác động như thế nào đến chính sách đối ngoại, vị thế của một quốc gia, khu vực trong hệ thống quốc tế. Địa chính trị cũng là nhân tố quan trọng, tác động rất lớn đến chiến lược và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

TS. Trần Thái Tân – Phó Giáo sư Nghiên cứu về Khởi nghiệp và Marketing Kỹ thuật số.

Theo TS. Trần Thái Tân, Địa chính trị vừa mang đến nhiều lợi ích, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến từng nhân tố trong kế hoạch và chiến lược kinh doanh. Nếu Địa chính trị ổn định, các quốc gia sẽ dễ dàng giao dịch thương mại, giá hàng hóa và đồng tiền ổn định, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Ngược lại, khi khủng hoảng địa chính trị xảy ra, ảnh hưởng rõ nhất là đến thị trường hàng hóa như dầu, vàng hoặc liên quan đến vấn đề tài nguyên năng lượng. Căng thẳng sẽ làm gián đoạn nguồn cung và giá dầu dĩ nhiên sẽ tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh. 

TS. Trần Nam Quốc - Trưởng Khoa Kinh doanh UMT tham dự và chia sẻ thêm nhiều thông tin bổ ích về đề tài của Workshop.

Là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về Địa chính trị, đạt được thành công trong kinh doanh, TS. Trần Thái Tân cho rằng để giảm thiểu tác động và rủi ro của yếu tố Địa chính trị, doanh nghiệp cần phải có những bí quyết cụ thể: 

  • Cập nhật thông tin nhanh chóng: nắm bắt tin tức, diễn biến của tình hình Địa chính trị để đưa ra quyết định kịp thời.
  • Hiểu rõ về Địa chính trị mỗi khu vực, quốc gia: phân tích rủi ro, tiềm ẩn và xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. 
  • Giao tiếp hiệu quả: tạo dựng mối quan hệ hợp tác và giải quyết vấn đề hiệu quả.
  • Lập kế hoạch phát triển và sẵn sàng chiến lược rút lui.

Ngoài tìm hiểu kiến thức về Địa chính trị, các bạn sinh viên còn được tham gia vào quá trình tìm kiếm giải pháp tối ưu cho các vấn đề thực tế, cùng nhau phân tích ví dụ về lựa chọn phương thức vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam khi mở rộng thị trường quốc tế dưới góc độ Địa chính trị. Hy vọng, những thông tin hữu ích từ TS. Trần Thái Tân sẽ giúp UMTers phát triển bản thân và chinh phục thành công trong tương lai.

Tin: Huỳnh Phan Hoài Giang - Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh