Ngày đăng: 26/02/2022

Sáng ngày 17/02/2022, đại diện Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) đã có buổi làm việc với Ban lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Nguồn nhân lực Tân Cảng – STC (liên doanh giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tập đoàn STC của Hà Lan) về hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Kinh doanh Quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. 

 

Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực Kinh doanh Quốc tế, Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng tại Việt Nam. 

 

Dẫn đầu đoàn làm việc, TS. Trần Nam Quốc (Trưởng khoa Kinh doanh, Trường Đại học UMT), PGS.TS Trần Đan Thư (Trưởng khoa Công Nghệ, Trường Đại học UMT) đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với ông Nguyễn Thanh Nhã (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nguồn nhân lực Tân Cảng-STC). Buổi làm việc tập trung thảo luận cơ chế hợp tác trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Kinh doanh quốc tế (Foreign Trade and International Commerce), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế (Logistics and Global Supply Chain Management). 

TS. Trần Nam Quốc đã trình bày về tổng quan về ngành Quản trị Kinh doanh, Bất động sản, Kinh doanh Quốc tế và Marketing đang được đào tạo tại khoa Kinh doanh, Trường Đại học UMT. Nội dung các môn học cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành được dạy và học bằng tiếng Anh, phát triển theo tiêu chuẩn kiểm định Quốc tế ACBSP của Hoa Kỳ. Đồng thời, chương trình được cập nhật theo nhu cầu thực tế, hiện đại kết hợp với thực hành chuyên sâu để sinh viên có thể bắt đầu làm quen với công việc khi còn ngồi trên giảng đường.  

Với 30% thời lượng môn học là thực hành và trải nghiệm thực tế, sinh viên được tham gia học kỳ trải nghiệm học tập tại doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong học kỳ doanh nghiệp, sinh viên sẽ tham gia trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp trong một học kỳ (tương đương 10 – 12 tuần) để làm việc như một nhân viên chính thức, từ đó tích luỹ được kinh nghiệm làm việc trong lúc học và có thể bắt đầu làm việc chuyên nghiệp ngay sau khi ra trường.  

Ông Nguyễn Thanh Nhã cũng đánh giá cao chương trình đạo mang tính quốc tế, hiện đại và phù hợp với thực tế thị trường lao động, đặc biệt trong phân khúc chất lượng cao ngành Kinh doanh Quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế.  

Theo ông, Việt Nam đang ngày càng hội nhập toàn cầu về tất cả các lĩnh vực, nhất là giao thương quốc tế. Đặc biệt là ngành Logistics rất phát triển và được quan tâm hiện nay. Dự kiến đến năm 2025, nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành Kinh doanh Quốc tế, Ngoại thương và Logistics lên đến 200.000 người, chưa tính đến các ngành nghề liên quan, đây là con số cực kỳ cao. 

Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực được đào tạo một cách bài bản về kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn cao để đáp ứng cho quá trình công nghệ hóa của nhóm ngành này tại thị trường Việt Nam lại rất thấp. Thị trường đang “khát” nhân lực ngành này, đặc biệt ở phân khúc cao cấp nên cơ hội cho sinh viên của UMT là rất lớn khi được định vị là thế hệ sinh viên giỏi chuyên môn, trình độ Tiếng Anh thành thạo và chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế.  

PGS.TS Trần Đan Thư cũng đề xuất một số ý tưởng liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động vận hành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng quốc tế để đảm bảo sinh viên UMT tốt nghiệp ra trường có khả năng ứng dụng thành thạo các kỹ năng công nghệ trong công việc nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động. 

 

Tiến tới hợp tác ba bên Tân Cảng-STC, UMT và STC Group (Hà Lan) 

 Trong quá trình trao đổi, Trường Đại học UMT và Tân Cảng-STC đã thảo luận các nội dung hợp tác liên quan đến đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong đào tạo. Chương trình đào tạo tại Trường Đại học UMT sẽ được tích hợp các module học phần mang tính nghiệp vụ, vận hành thực tế được cung cấp bởi các chuyên gia đến từ Tân Cảng-STC; tham quan học tập thực tế qua các chuyến field trip đến các cơ cở cảng và logistics trong hệ thống của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn; thực hành mô phỏng trong hoạt động Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trên hệ thống hiện đại Transport Chain Simulation (TCS®) và khai thác cảng Port Management Game (PMG ®) được thực hiện giữa sự hợp tác giữa ba bên: UMT, Tân Cảng-STC và STC Group (Tập đoàn hàng đầu tại Hà Lan và Châu Âu trong lĩnh vực khai thác cảng, logistics và hàng hải).  

 

Ngoài ra, sinh viên UMT còn có cơ hội tham gia các khóa học ngắn hạn trong hệ sinh thái Logistics và quản lý chuỗi cung ứng quốc tế tại Hà Lan, Đức và Singapore đồng thời có cơ hội học lên các cấp cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) chuyên sâu ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các trường Đại học trong mạng lưới đối tác của Tân Cảng-STC & STC Group tại Hà Lan. 

 

Là một doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong đó trọng tâm là khai thác cảng và dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam, Tân Cảng Sài Gòn có mạng lưới liên kết với hầu hết các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và Quốc tế, trong khi đó STC Group là tập đoàn giáo dục Hàng hải hàng đầu tại Châu Âu với mạng lưới liên doanh đào tạo rộng khắp thế giới. Với sự hợp tác ba bên lần này, Trường Đại học UMT, với tầm nhìn tiên phong, sáng tạo trong đột phá về đào tạo, nghiên cứu và quản trị, kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội hấp dẫn trong học tập và trải nghiệm quốc tế, cũng như cơ hôi việc làm chất lượng cao và cơ hội thăng tiến tốt cho sinh viên của UMT. 

Kết thúc buổi gặp gỡ, đoàn công tác trường Đại học UMT đã có chuyến tham quan Trung tâm mô phỏng của Tân Cảng-STC và Campus UMT tại Khu đô thị Cát Lái (đang trong quá trình hoàn thiện và đưa vào vận hành phục vụ đào tạo Khóa học đầu tiên diễn ra vào tháng 9/2022). Các bên tiếp tục trao đổi chi tiết các nội dung để tiến tới Lễ ký kết hợp tác ba bên trong tháng 3/2022.

Thiên Huy – Huyền Thương 

Ảnh: Thiên Huy