Ngày đăng: 21/03/2023

Song song với xét tuyển bằng điểm thi THPT, điểm thi ĐGNL (ĐHQG), những năm gần đây, nhiều học sinh ưu tiên xét tuyển theo phương thức xét học bạ. Vậy phương thức xét tuyển học bạ là gì và có những ưu điểm nào mà được các bạn quan tâm đến thế? Hãy cùng UMT tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!

Xét tuyển học bạ là gì? 

Xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh dùng kết quả điểm tích lũy của các học kỳ, ba năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển để làm căn cứ xét tuyển. Phương thức mới này đã tạo điều kiện giúp học sinh giảm bớt áp lực ôn tập, thi cử hoặc chịu ảnh hưởng, tác động từ những nhân tố bên ngoài như sức khỏe, tai nạn. Đây cũng là cơ hội lớn với những thí sinh có kết quả học tập tốt ở bậc THPT, có thể sớm bước vào cánh cổng đại học rộng mở.

Xét tuyển học bạ như thế nào? 

Hiện nay, phương thức xét tuyển học bạ đang được hầu hết các trường đại học sử dụng. Với phương thức này, từng trường sẽ có tiêu chí xét tuyển và mốc thời gian xét tuyển khác nhau do chính trường quyết định. Có trường dùng điểm 3 năm THPT để xét tuyển; dùng điểm tổ hợp môn của năm học lớp 12 hoặc dùng điểm 3 học kỳ (HK 1 năm lớp 11, HK 2 năm lớp 11, HK 1 năm lớp 12)… để làm điều kiện xét tuyển chung hoặc ưu tiên xét tuyển cho học sinh xuất sắc của các trường chuyên, năng khiếu.

Hiện nay, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) xét tuyển học bạ dựa trên 4 phương thức như sau:

Xét tuyển dựa trên kết quả học tập 5 học kỳ:

Điểm xét tuyển = (Điểm TB cả năm lớp 10 + Điểm TB cả năm lớp 11 + Điểm HK 1 lớp 12)/3 + Điểm ưu tiên.

Xét tuyển dựa trên kết quả học tập 3 học kỳ:

Điểm xét tuyển = (Điểm TB cả năm lớp 11 + Điểm TB HK1 lớp 12)/2 + Điểm ưu tiên.

Xét tuyển dựa trên kết quả học tập 3 năm THPT:

Điểm xét tuyển = (Điểm TB cả năm lớp 10 + Điểm TB cả năm lớp 11 + Điểm TB cả năm lớp 12)/3 + Điểm ưu tiên.

Xét tuyển dựa trên kết quả học tập lớp 12 theo tổ hợp 3 môn xét tuyển:

Điểm xét tuyển = (Điểm TB lớp 12 môn 1 + Điểm TB lớp 12 môn 2 + Điểm TB lớp 12 môn 3)/3 + Điểm ưu tiên.

Cần những điều kiện nào để xét tuyển học bạ? 

Dựa trên hình thức xét tuyển học bạ theo ngành mà thí sinh chọn để xét tuyển, mỗi trường sẽ đưa ra những điều kiện xét tuyển học bạ khác nhau. Thông thường các bạn cần chú ý những điều sau: 

  • Dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc tổng điểm các môn của tổ hợp xét tuyển. Cần phải có ngưỡng điểm tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT. 
  • Đã tốt nghiệp THPT. 
  • Tổng điểm trung bình của tổ hợp 3 môn năm lớp 12 hoặc tổng điểm trung bình của 2 học kỳ, 3 học kỳ, 5 học kỳ và 6 học kỳ (tùy mỗi trường đặt ra điều kiện xét tuyển khác nhau).
  • Khối ngành Y Dược học lực từ khá, giỏi trở lên,…

Chuẩn bị hồ sơ xét tuyển 

Hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét học bạ rất đơn giản và cũng không phức tạp bằng xét tuyển nguyện vọng. Các bạn học sinh làm hồ sơ xét tuyển học bạ chỉ cần photo công chứng những giấy tờ như sau: 

  1. Đơn đăng ký xét tuyển (theo mẫu của trường) 
  2. Học bạ THPT 
  3. Bằng tốt nghiệp THPT hoặc Giấy xác nhận tốt nghiệp THPT tạm thời 
  4. CMND hoặc CCCD 
  5. Giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có) 
  6. Phong bì dán sẵn tem có ghi rõ thông tin cá nhân, số điện thoại di động của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển 
  7. 4 ảnh 3 × 4 cm
  8. Lệ phí xét tuyển (tùy từng trường)

Sau đó, các bạn nộp hồ sơ tại Phòng Tuyển sinh của trường, đăng ký trực tuyến hay chuyển bằng đường bưu điện theo thời gian từng đợt mà mỗi trường thông báo. 

Những lưu ý khi xét tuyển học bạ 

  • Bạn cần phải đảm bảo yêu cầu đã tốt nghiệp THPT. 
  • Xét tuyển học bạ khác với xét tuyển nguyện vọng và cũng không hạn chế số lượng hồ sơ. Vì vậy bạn có thể nộp hồ sơ vào nhiều trường khác nhau hoặc nộp hồ sơ với nhiều nguyện vọng ở cùng một trường. 
  • Khi đăng ký nguyện vọng, bạn nên điền nguyện vọng mình thích học nhất ở đầu tiên để khi trúng tuyển thì trường sẽ tự xác nhận đó là nguyện vọng bạn theo học.
  • Vì số lượng hồ sơ xét tuyển học bạ của mỗi trường vô cùng nhiều, vì thế các bạn nên chuẩn bị hồ sơ thật kỹ, tránh sai sót và gửi sớm nhất có thể. 
  • Việc xét tuyển học bạ có số lượng chỉ tiêu nhất định đối với mỗi trường, bạn hãy đăng ký xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi ĐGNL,… để có thêm nhiều cơ hội.

Hy vọng thông tin UMT đã chia sẻ có thể giúp bạn hiểu sâu thêm về phương thức xét tuyển học bạ là gì. Chúc các thí sinh có kỳ thi thuận buồm xuôi gió và đạt được thành tích như mong đợi.