Ngày đăng: 16/08/2022

(VOH) - Chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặt mục tiêu tăng lên 25% GRDP vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

 

Những mục tiêu trên đặt ra cho nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số rất nhiều thách thức. Đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước là một yêu cầu quan trọng. Nguồn nhân lực có chất lượng, rất cần sự đồng hành và các chính sách khuyến khích từ nhà nước, sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, quan trọng hơn là sự chủ động linh hoạt từ các cơ sở đào tạo.

Tiếp tục nội dung tọa đàm “Hiến kế giải pháp nâng cao năng lực phục vụ chuyển đổi số”, mời quý vị đến với nhan đề “Thách thức từ nguồn nhân lực chất lượng cao”, cùng phân tích của các khách mời: Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến; Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đan Thư, Trưởng khoa Công nghệ, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh Tế Số Việt Nam.

 

*VOH: Và mở đầu buổi Toạ đàm, xin mời Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh Tế Số Việt Nam có thể chia sẻ một số vấn đề cốt lõi xung quanh thách thức của quá trình chuyển đổi số? Đòi hỏi nguồn nhân lực cho quá trình này như thế nào?

Tiến sĩ Trần Quý: Thưa quý thính giả, như chúng ta đã biết, trong những năm vừa rồi thì các phương tiện truyền thông, báo chí và thậm chí là trong cuộc sống hàng ngày chúng ta rất hay nghe tới cụm từ chuyển đổi số hay là kinh tế số.   Việc phát triển kinh tế số, chuyển đổi số có 3 trụ cột chính. Trụ cột thứ nhất là về chính quyền số, trụ cột thứ hai là về kinh tế số, trụ cột thứ ba chính là xã hội số. Ba trụ cột này được ví như là kiềng ba chân, làm cho quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam hướng tới một nền kinh tế số trở nên rất khả thi. Đây là một thách thức khá lớn cho việc phát triển toàn diện lẫn nguồn nhân lực để phục vụ nền kinh tế số ở Việt Nam cũng như ở Thành phố Hồ Chí Minh. Định hình các nhóm mục tiêu thì hiện nay, như tôi vừa nói thì tập trung phát triển vào ba trụ cột. Một là phát triển Chính phủ số, hai là kinh tế số và ba là xã hội số. Trong đó, đối với loại hình doanh nghiệp thì phát triển bốn loại hình. Thứ nhất là các doanh nghiệp lớn chuyển sang hoạt động công nghệ số. Thứ hai là các doanh nghiệp về công nghệ thông tin tiên phong trong nghiên cứu và phát triển. Cái thứ ba là các doanh nghiệp khởi nghiệp và cái thứ tư là các doanh nghiệp ươm mầm. Bốn cái cốt lõi này là cái việc mà đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số là một thách thức rất lớn với Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

*VOH: Như Tiến sĩ Trần Quý cũng đã vừa chỉ ra những thách thức đối với việc chuẩn bị một nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số. Như vậy thì các trường đại học có vai trò ra sao trong việc đáp ứng sự thay đổi biến động của nghề nghiệp, nhất là tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Xin mời Tiến sĩ Từ Minh Thiện.

Tiến sĩ Từ Minh Thiện: Tôi thấy vấn đề liên quan đến thách thức của quá trình chuyển đổi số có hai vấn đề mà chúng ta cần lưu ý. Thứ nhất là thói quen và thứ hai đó là thể chế. Tại việc thay đổi một thói quen đang sử dụng bình thường, thí dụ từ analog chuyển qua digital là cả một vấn đề. Con người ta thường có xu hướng là người ta hay có phản ứng lạ với những cái mới. Hơn nữa cái này nó làm thay đổi hoàn toàn về thái độ ứng xử cũng như là phong cách làm việc và ngay cả thói quen hàng ngày của mình. Do đó, việc chuyển đổi số tôi nghĩ nó là thách thức lớn nhất. Và thứ hai là thể chế, thể chế này có thể là thể chế để công nhận, để kiểm soát và để quản lý luôn cái quá trình của chuyển đổi số. Chúng ta nên biết chuyển đổi số là một quá trình. Đã là quá trình thì nó sẽ có một tiến trình dài và chuyển dần dần. Và vấn đề chính của chuyển đổi số ở đây có 3 vấn đề mà ta phải cân nhắc. Đó là quan trọng nhất là con người, thể chế và công nghệ.

Trong đó, vấn đề quan trọng nhất ở đây đó là con người. Tôi nghĩ trường đại học là một môi trường rất là tốt để đào tạo nhân lực tiếp cận với chuyển đổi số. Và điều quan trọng nhất đối với giáo đục đại học đó là vấn đề sáng tạo, chính là đào tạo con người để chúng ta đưa ra sáng tạo thì chúng ta mới có khả năng làm chủ công nghệ chúng ta cũng theo kịp được sự phát triển của các nước phát triển. Chúng ta cũng chưa kỳ vọng lắm rằng chúng ta làm chủ công nghệ tại khái niệm làm chủ công nghệ lớn lắm, rất rộng. Do đó, chúng tôi nghĩ vấn đề chính hiện nay các trường đại học quan tâm đó là đào tạo nguồn nhân lực để có thể thực hiện được những chiến lược của Chính phủ cũng như là sự phát triển của quốc gia.

*VOH: Xin dành câu hỏi cho Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đan Thư. Hướng đến quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực, thì các cơ sở đào tạo đã có những chiến lược đào tạo ngành nghề như thế nào? Và đối với Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh thì đây cũng là năm tuyển sinh đầu tiên, bên mình đã có những định hướng chiến lược để chuẩn bị một cái nguồn nhân lực mới ra sao?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đan Thư: Ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ thì sẽ góp phần vào nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao hiện nay. Tại vì chúng ta đã biết là ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh, nhu cầu nhân lực về công nghệ thông tin rất cao. Nhưng song song đó, sự thay đổi của công nghệ rất dữ dội và như vậy để một kỹ sư công nghệ thông tin khi ra trường có thể bắt kịp với sự thay đổi công nghệ thì đó là một thách thức của nhiều cơ sở đào tạo. Cũng không riêng gì Trường Đại học Quản lý và Công nghệ, thật ra là tất cả khoa Công nghệ thông tin ở các trường đại học thì đã có những bước chuyển rất là tích cực để thay đổi chương trình đào tạo, đưa trải nghiệm thực hành và trải nghiệm nghề nghiệp vào quá trình đào tạo. Đồng thời, sinh viên đi đến những công ty, xí nghiệp làm phần mềm để mà thực hành. Do đó, vai trò người Trưởng khoa Khoa học công nghệ hay Trưởng khoa Công nghệ thông tin ở các trường đại học, giống như Tiến sĩ Thiện đã nói, là phải học liên tục, ngoài kiến thức công nghệ thông tin, kiến thức liên ngành. Và kiến thức liên ngành không phải là kiến thức nữa mà nó phải được thực thi bằng những dòng mã nguồn. Trong khi chương trình đào tạo của chúng ta chỉ có 4 năm, các sinh viên vào phải học rất nhiều từ kiến thức chuyên môn, kiến thức về khai phóng, kiến thức về văn hóa xã hội để mở rộng tầm nhìn của mình. Kế đến là giai đoạn nghề nghiệp, do đó tôi nghĩ những điều đó là thách thức trong đào tạo.

*VOH: Cám ơn chia sẻ của các vị khách mời.

------------------------------------------------------------------------------- 

Theo Thuỳ Linh (VOH Radio)

Link: https://radio.voh.com.vn/thoi-su-am-610-khz/ky-2-thach-thuc-tu-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-thoi-su-5g30-15-8-2022-444992.html