Ngày đăng: 28/03/2023

Ngành Tài chính Ngân hàng là ngành chuyên đào tạo những lĩnh vực liên quan đến việc luân chuyển và giao dịch tiền tệ. Đây là ngành học “hot” trong khoảng thời gian gần đây và được nhiều trường đại học đào tạo nhưng vẫn không đủ nguồn nhân lực để cung cấp cho các tổ chức, ngân hàng. Bài viết dưới đây của UMT sẽ chia sẻ đến các bạn những thông tin về ngành Tài chính Ngân hàng.

Tìm hiểu ngành Tài chính Ngân hàng 

Ngành Tài chính Ngân hàng là gì?

Ngành Tài chính Ngân hàng có tên tiếng Anh là Finance and Banking. Đây là một ngành nghề bao gồm toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc luân chuyển tiền tệ và hoạt động kinh doanh thông qua ngân hàng. Tài chính Ngân hàng tập trung các lĩnh vực liên quan đến tài chính như: tài chính doanh nghiệp, tài chính quốc tế, phân tích tài chính... và mọi vấn đề cần đến công cụ tài chính, các lĩnh vực liên quan đến ngân hàng như: ngân hàng đầu tư, thị trường chứng khoán, quản trị tín dụng,...

Tổng quan ngành Tài chính Ngân hàng

Dù cho nền kinh tế đang trong tình trạng nào đi chăng nữa thì ngành Tài chính Ngân hàng vẫn là ngành nghề cần thiết, bởi ngành này liên quan trực tiếp đến các dịch vụ giao dịch tiền tệ và giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng chính sách tiền tệ của Nhà nước. Đây là một ngành nghề trọng điểm, cần đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao và sự thiết yếu của việc hồi phục nhanh chóng trở lại của lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong thời gian gần đây. Do đó, ngành Tài chính Ngân hàng đang thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm và lựa chọn làm nghề nghiệp trong tương lai.

Tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm làm việc, mức lương của ngành Tài chính Ngân hàng thường chia thành 3 cấp độ:

  • Sinh viên vừa tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm làm việc nên sẽ có mức lương cơ bản dao động từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng.
  • Các bạn đã có kinh nghiệm làm việc từ 1 đến 2 năm, mức lương cơ bản dao động từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.
  • Các bạn đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong nghề, từ 3 đến 5 năm,  mức lương thường lên hơn 20 đến 25 triệu đồng/tháng.

Ngành Tài chính Ngân hàng học những gì? 

Kiến thức

  • Kiến thức giáo dục đại cương bao gồm các môn học: Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lý thuyết xác suất và thống kê toán, Toán cao cấp, Pháp luật đại cương, Tin học đại cương.
  • Kiến thức cơ sở ngành gồm các môn học: Quản trị tài chính, Nguyên lý quản trị, Kế toán tài chính, Phân tích kinh doanh và định giá, Các định chế tài chính và thị trường tài chính,... 
  • Kiến thức ngành bao gồm các môn học: Quản trị tài chính, Kế toán quản lý, Lý thuyết quản lý danh mục đầu tư và phân tích đầu tư, Ngân hàng thương mại, Tài chính quốc tế, Tài chính hành vi, Quản trị tài chính quốc tế,...
  • Kiến thức chuyên ngành bao gồm các môn học: Chứng khoán phái sinh và (công cụ) quản lý rủi ro, Chứng khoán có thu nhập cố định, Phân tích tín dụng và cho vay, Lý thuyết quản lý danh mục đầu tư và phân tích đầu tư, Quản trị tài chính quốc tế, Quản lý vốn lưu động, Tài chính cá nhân,…

Kỹ năng

Các kỹ năng mà sinh viên theo học ngành Tài chính Ngân hàng được học sẽ là:

  • Kỹ năng phân tích và phản biện
  • Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình
  • Kỹ năng tự đào tạo và nhận thức triển vọng
  • Kỹ năng khai thác và sử dụng công nghệ thông tin trong thời đại số
  • Kỹ năng giao dịch trong kinh doanh ngân hàng

Bằng cấp, chứng chỉ nên có

Ngoài chứng chỉ phổ biến trong chuẩn đầu ra của các trường đại học như chứng chỉ tiếng Anh (TOEIC, IELTS...), chứng chỉ Tin học (MOC, IC3...), nếu muốn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp, sinh viên cần phải tích lũy cho mình một số chứng chỉ của chuyên ngành Tài chính Ngân hàng dưới đây:

  • CFA: Chứng chỉ phân tích đầu tư tài chính.
  • CFP: Chứng chỉ chuyên gia hoạch định tài chính.
  • CAIA: Chứng chỉ phân tích đầu tư thay thế.
  • ChFC: Chứng chỉ tư vấn tài chính.
  • CMT: Chứng chỉ phân tích kỹ thuật thị trường.
  • FRM: Chứng chỉ quản trị rủi ro tài chính.

Tài chính Ngân hàng có những chuyên ngành, lĩnh vực nào?

Tài chính Ngân hàng

Khi theo học chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về ngân hàng, tài chính và tiền tệ, quản trị vốn và tài sản của ngân hàng, quản trị tín dụng; am hiểu các quy định của Nhà nước về hoạt động của ngân hàng; hiểu được nghiệp vụ, quy trình phát hành tiền và điều hành chính sách tiền tệ, quy trình hạch toán kế toán, thẩm định hạn mức tín dụng của ngân hàng; kiến thức bổ trợ về thị trường tài chính - tiền tệ và thị trường chứng khoán.

Sinh viên sau khi ra trường có thể đảm nhận công việc chuyên môn thuộc về dịch vụ tài chính tại các tổ chức tín dụng quốc tế, ngân hàng, quỹ đầu tư; kế toán ngân hàng hay tín dụng ngân hàng,...

Quản lý tài chính công

Trang bị cho sinh viên kiến thức về Quản lý tài chính công của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế để các bạn có thể áp dụng khi tham gia quá trình quản lý tài chính tại tổ chức quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước. Đồng thời, chương trình đào tạo cũng xây dựng nền tảng tư duy về kiến thức và kỹ năng cần thiết để sinh viên có thể phân tích, đánh giá và thực hành những nghiệp vụ như: Lập dự toán, tổ chức chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách hay quản lý tiền thuế người dân đóng góp một cách hiệu quả, công bằng.

Tài chính doanh nghiệp

Đối với lĩnh vực Tài chính doanh nghiệp, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý và sử dụng vốn, nghiệp vụ huy động, tổ chức hệ thống kiểm soát tài chính trong doanh nghiệp; xây dựng kỹ năng thẩm định tài chính của các dự án đầu tư, phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp; hiểu về quy trình hạch toán kế toán, nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, chứng khoán, định giá; nắm được quy định của Nhà nước về quản lý doanh nghiệp và các quy định của Luật Thuế.

Về cơ hội nghề nghiệp, sau khi tốt nghiệp sinh viên có khả năng thực hiện các công việc chuyên môn về tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán, tín dụng ngân hàng và công việc về dịch vụ tài chính tại các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, công ty chứng khoán, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính - tín dụng.

Tài chính thuế

Đối với chuyên ngành Tài chính thuế, sinh viên theo học sẽ được cung cấp kiến thức lý thuyết thuế, pháp luật về thuế, luật thuế, chính sách thuế, quy trình quản lý thuế của cơ quan thuế, quy trình hạch toán kế toán thuế, quy định về lập hồ sơ kê khai thuế và được bổ trợ thêm kiến thức pháp luật hay các cam kết quốc tế về thuế.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính thuế có khả năng đảm nhận các công việc chuyên môn như: Kế toán thuế, thanh tra thuế, tư vấn thuế, quản lý thuế tại các cơ quan quản lý Nhà nước về thuế và hải quan; các doanh nghiệp hay cơ sở cung cấp và sử dụng dịch vụ về thuế.

Tài chính quốc tế

Khi theo học ngành Tài chính quốc tế, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về các nghiệp vụ liên quan đến tài chính quốc tế như: Kinh doanh quốc tế, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế, thương mại quốc tế, tín dụng quốc tế, tỷ giá hối đoái; đồng thời am hiểu các quy trình, nghiệp vụ về tài chính quốc tế, quy trình quản lý dự án ODA, quản trị dự án đầu tư quốc tế, quản lý nợ... và bổ sung thêm kiến thức về pháp luật quốc tế, thương mại quốc tế hay các cam kết quốc tế về kinh tế.

Đầu tư tài chính

Chuyên ngành này đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ Đầu tư tài chính; kỹ năng về đầu tư tài chính, kỹ năng phân tích và dự báo thị trường; đồng thời nắm chắc kiến thức liên quan đến thị trường tài chính, rủi ro và cách thức quản lý rủi ro, những công cụ đầu tư trên thị trường tài chính; hoạt động quản lý của Nhà nước về thị trường tài chính và đầu tư tài chính; hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý thị trường tài chính; bổ sung kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán; hiểu rõ quy định của Nhà nước đối với thị trường tài chính và đầu tư tài chính. Đồng thời, các bạn còn nắm vững được hệ thống pháp luật có liên quan đến quản lý thị trường tài chính và đầu tư tài chính.

Học ngành Tài chính Ngân hàng cần những tố chất gì?

Để có thể theo đuổi ngành Tài chính Ngân hàng lâu dài và thành công trong nghề nghiệp sau này, sinh viên học ngành Tài chính Ngân hàng cần có một số tố chất sau đây:

  • Khả năng tính toán nhanh nhạy và ưa thích những con số.
  • Đức tính trung thực cực kỳ quan trọng đối với ngành này vì số liệu cần phải có sự khách quan và thực tế.
  • Thận trọng, cẩn thận và chính xác tuyệt đối trong công việc vì chỉ cần phạm phải một sai sót dù rất nhỏ là bạn sẽ có thể phải gặp rắc rối lớn.
  • Sử dụng máy tính thành thạo sẽ giúp bạn nhanh chóng xử lý yêu cầu của khách hàng.
  • Thấu hiểu tâm lý khách hàng để có thể thuận lợi đàm phán và giao dịch hiệu quả với khách hàng.
  • Tư duy nhanh nhạy, linh hoạt trong công việc.
  • Có sức khỏe tốt và có thể làm việc trong môi trường áp lực cao.
  • Có khả năng tự học ngoại ngữ tốt vì bạn cần phải học những thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành và thường xuyên phải tiếp xúc với người nước ngoài, do đó việc trau dồi cho bản thân vốn từ tiếng Anh là cực kỳ cần thiết.

Trên đây là bài viết của UMT chia sẻ các thông tin về ngành Tài chính Ngân hàng. Hy vọng các bạn đã có cho mình những đánh giá khách quan về ngành học này và đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.

Có thể bạn muốn xem

NGÀNH CƠ KHÍ LÀ GÌ? HỌC GÌ? RA TRƯỜNG LÀM GÌ? MỨC LƯƠNG BAO NHIÊU?

Trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, ngành Cơ khí là một trong những ngành đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Với nhu cầu nguồn nhân lực lớn, sinh viên tốt nghiệp ngành Cơ khí có cơ hội tìm được việc làm phù hợp cực kỳ cao. Hãy cùng UMT tìm hiểu về ngành Cơ khí trong bài viết dưới đây nhé! 

NGÀNH KINH TẾ LÀ GÌ? HỌC GÌ? RA TRƯỜNG LÀM GÌ? LƯƠNG THẾ NÀO?

Ngành Kinh tế là ngành học có tỷ lệ cạnh tranh thuộc top đầu trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, có nhiều thí sinh vẫn còn rất mơ hồ về ngành Kinh tế là gì? Gồm những chuyên ngành nào? Trong bài viết này của UMT, chúng tôi sẽ chia sẻ đến các bạn những thông tin tổng quan về ngành Kinh tế để các bạn tham khảo. 

NGÀNH KẾ TOÁN LÀ GÌ? HỌC GÌ? CƠ HỘI VIỆC LÀM RA SAO?

Ngành Kế toán là ngành có vai trò không thể thiếu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay. Bên cạnh đó, ngành Kế toán cũng là ngành luôn nằm trong top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, do đó đây luôn là ngành “hot” thu hút lượng lớn các bạn thí sinh đăng ký trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong bài viết dưới đây của UMT, chúng tôi sẽ chia sẻ những thông tin về ngành Kế toán một cách chi tiết nhất để bạn tham khảo.