[WORKSHOP: CHUYỆN NGƯỜI TRONG NGHỀ] GOOGLE VÀ GIẤC MƠ CỦA NHỮNG KỸ SƯ IT – HÃY ĐẶT CÂU HỎI CHO GIẤC MƠ CỦA MÌNH

Ngày đăng: 26/10/2023

“Bạn muốn làm gì, muốn trở thành người như thế nào, tại sao bạn lại muốn làm việc tại Google?” là những câu hỏi diễn giả muốn các bạn sinh viên tự đặt ra cho chính bản thân mình trên hành trình chinh phục ước mơ trở thành kỹ sư IT trong tương lai tại buổi Workshop “Google và giấc mơ của những kỹ sư IT” diễn ra vào ngày 25/10/2023. 

 

Anh Đặng Thanh Sơn - Customer Engineer Infrastructure Modernization, Google Cloud (Kỹ sư khách hàng, Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, Khu vực công Google Cloud) là diễn giả của Workshop "Google và giấc mơ của những kỹ sư IT"

Google là Tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới, thành lập vào năm 1998 chuyên về các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến Internet: công nghệ, công cụ tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến, điện toán đám mây, phần cứng và phần mềm. Doanh nghiệp này nằm trong những công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới với tổng vốn chủ sở hữu của Alphabet (công ty mẹ của Google) tính đến quý 1/2023 là 260,89 tỷ USD.  

Trước khi làm việc cho Google Singapore tại vị trí Customer Engineer Infrastructure Modernization, Google Cloud (Kỹ sư khách hàng, Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, Khu vực công Google Cloud), diễn giả Đặng Thanh Sơn đã làm việc cho các tập đoàn lớn ở nhiều vị trí quản lý khác nhau. Trước đó, anh tốt nghiệp ngành Khoa học và Quản lý máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore.  

Là người có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực IT tại những tập đoàn lớn trên thế giới, diễn giả Đặng Thanh Sơn đã mang đến cho các bạn sinh viên nhiều thông tin thú vị về hành trình chinh phục giấc mơ kỹ sư IT và văn hóa làm việc tại Google - một trong những công ty có môi trường làm việc tốt nhất thế giới.  

Khi còn đi học, anh đã đam mê với máy tính và mong muốn được làm việc trong ngành Công nghệ thông tin. Vì thế, anh quyết định chọn ngành Khoa học và Quản lý máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore để chinh phục ước mơ của mình.  

“Để trở thành kỹ sư IT, đầu tiên các bạn cần phải chăm chỉ học tập, mình là người rất chú trọng việc học và học rất giỏi. Nhưng điều đó là chưa đủ, các bạn nên tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc thực tế tại các doanh nghiệp và chủ động làm dự án cá nhân của mình. Ngoài ra, kỹ năng ngoại ngữ và tư duy logic rất quan trọng với vị trí kỹ sư IT. Tại Google, chúng tôi có quy tắc đó là Think 10X, có nghĩa là khi làm việc bạn phải cố gắng làm tốt gấp 10 lần thay vì 10%. Quy tắc này giúp các bạn đạt được mục tiêu nhanh hơn bằng cách chuyển đổi tư duy, tìm kiếm các giải pháp “phi thường”, mang lại kết quả “đột biến” nhanh nhất. Vì thế, tôi nghĩ các bạn nên áp dụng quy tắc này nếu muốn trở thành kỹ sư IT trong tương lai”, diễn giả Đặng Thanh Sơn nhiệt tình chia sẻ với sinh viên UMT.  

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, Anh Đặng Thanh Sơn đã mang đến nhiều thông tin thú vị cho các bạn sinh viên UMT

Nói về hành trình làm việc tại Google, diễn giả Đặng Thanh Sơn cho biết đây là sự tình cờ khi công ty mở vị trí tuyển dụng và anh thấy phù hợp nên đã ứng tuyển. Tuy nhiên khi chính thức vào làm việc, anh rất thích môi trường tại đây vì sự cởi mở và đề cao năng lực cá nhân. 

Google là nơi có văn hóa làm việc độc đáo từ cơ sở vật chất đến cách tiếp cận sáng tạo giữa lãnh đạo và cấp dưới. Google đã xây dựng một nơi làm việc mà mọi cá nhân đều cảm thấy rằng họ được đóng góp cho mục tiêu chung và tạo ra sự thay đổi. Đồng thời, họ cũng tạo ra một môi trường nơi nhân viên được tự do thể hiện sự sáng tạo của mình. Ở đó, nhân viên có thể đưa ra giải pháp mới cho cùng một vấn đề và một trong những cách Google thường làm là liên tục tổ chức các phiên họp và cuộc nói chuyện ngắn, khuyến khích nhân viên suy nghĩ sáng tạo, giải phóng khả năng sáng tạo và đưa ra những ý tưởng đổi mới.  

Cuối buổi Workshop, rất nhiều câu hỏi từ sinh viên UMT được đặt ra cho diễn giả, một trong những vấn đề các bạn thắc mắc nhất là làm sao để trở thành một kỹ sư IT giỏi và làm sao để được làm việc tại Google.

 

Rất nhiều câu hỏi được sinh viên UMT gửi đến diễn giả giúp buổi Workshop trở nên sôi động và thú vị

Anh cho biết, để trở thành một kỹ sư IT giỏi được nhiều nhà tuyển dụng săn đón, trước tiên các bạn hãy hãy tự hỏi chính bản thân mình rằng: “Bạn muốn làm gì, muốn trở thành người như thế nào, tại sao bạn lại muốn làm việc tại Google?” và hãy tự trả lời câu hỏi đó bằng việc tập trung vào việc học tập, phát triển những thế mạnh của bản thân. 

Cũng theo diễn giả, được trở thành nhân viên của Google là giấc mơ của nhiều bạn trẻ hiện nay, nhưng để chinh phục Google là điều không dễ dàng. Mỗi năm, Google nhận khoảng 3 triệu hồ sơ xin việc, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng chỉ 7.000 người. Điều này đồng nghĩa chỉ có khoảng 0,2% những người nộp hồ sơ được tuyển dụng. Mặc khác, diễn giả Đặng Thanh Sơn cũng nhấn mạnh rằng, không nhất thiết bạn phải làm việc cho Google, hiện nay có rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam và trên thế giới có nhu cầu tuyển dụng ngành IT rất cao, nên đôi khi việc trở thành nhân viên Google chỉ là sự phù hợp, phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng, phù hợp với văn hóa, môi trường của Google.  

“Như tôi đã chia sẻ, các bạn nên đặt câu hỏi cho bản thân, Tại sao bạn muốn làm việc tại Google? Từ câu hỏi đó, bạn sẽ đưa ra được kế hoạch cần chuẩn bị cho mục tiêu. Theo tôi, để làm việc cho Google, ứng viên phải đáp ứng được những yêu cầu công việc, đồng thời chứng minh được giá trị đóng góp của bạn là gì khi vào làm việc, điều đó có nghĩa là các bạn cần tập trung vào những thế mạnh, phát triển những khía cạnh giỏi nhất của mình. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh rằng, làm việc tại Google không đồng nghĩa với việc bạn là người rất giỏi hoặc không phải giỏi là được nhận vào Google. Tại Google, điều quan trọng nhất là sự phù hợp, khi bạn phù hợp với công việc, văn hóa của Google, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội vào làm việc. Vì vậy, xác định rõ ràng mục tiêu tương lai, xây dựng cho mình nền tảng thật vững chắc và “Be yourself” - bạn sẽ tự tin mở mọi cánh cửa của nhà tuyển dụng, chứ không chỉ riêng Google”, diễn giả Đặng Thanh Sơn chia sẻ.