TS. TRẦN NAM QUỐC, TRƯỞNG KHOA KINH DOANH: “TÔI ĐAM MÊ TRUYỀN ĐẠT KIẾN THỨC CHO THẾ HỆ TRẺ”

Ngày đăng: 06/05/2022

TS. Trần Nam Quốc là chuyên gia với hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực quản trị, tài chính, ngân hàng và tư vấn chiến lược; hơn 10 năm kinh nghiệm trong quản lý và giảng dạy đại học. Thầy là nhà nghiên cứu liên ngành bao gồm kinh tế phát triển, kinh tế học hành vi, quản trị và tài chính; đồng thời là nhà quản lý giáo dục với nhiều nỗ lực đổi mới sáng tạo trong quản trị, phát triển chuyên môn và số hóa. Ý tưởng phát triển “Thương hiệu Giáo dục Quốc gia” cũng được Thầy đưa ra để hỗ trợ quá trình hội nhập quốc quốc tế của các trường đại học Việt Nam. 

 

Về công tác tại Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT), TS. Trần Nam Quốc mong muốn xây dựng và phát triển các ngành đào tạo với nhiều tiên phong đổi mới sáng tạo, tích hợp số hóa nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế và chuyên nghiệp. Thầy đặt mục tiêu phát triển UMT School of Business (UMT BuS) trở thành một trong các Business School (Trường đào tạo Kinh doanh) hàng đầu khu vực châu Á, đồng thời gia nhập mạng lưới các Trường đào tạo Kinh doanh toàn cầu.  

Xin phép bắt đầu buổi trò chuyện bằng câu hỏi về lý do vì sao ngày xưa Thầy chọn học ngành Kinh tế?

Tôi học Khối A. Thực ra lúc đăng ký thi vào Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, tôi chọn Quản trị kinh doanh. Đó là năm 1996 và tôi còn nhớ đề thi vào đại học khá khó, nhưng với số điểm tốt nên tôi được tuyển thẳng vào chuyên ngành Toán - Kinh tế. Sau khi kết thúc một năm rưỡi, với mong muốn trở thành người làm chính sách công, tôi chuyển sang Kinh tế học. Ngành này giúp tôi hiểu sâu hơn, nắm vững nền tảng và có được góc nhìn đa chiều sự vận động của thị trường, nền kinh tế, vai trò các chính sách vĩ mô của kinh tế, biết quy luật vận động của thị trường, chính sách...

Nhưng không phải ai học xong cũng chọn con đường giảng dạy. Vậy đối với Thầy, vì sao ạ?

Sau khi tốt nghiệp đại học (2000), tôi làm việc tại các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán, và tư vấn quản trị doanh nghiệp 10 năm. Mãi đến 2010, tôi mới chính thức tham gia vào lĩnh vực giáo dục đại học.

Ban đầu tôi học lên chỉ vì thích học và nâng cao kiến thức, đồng thời phải chọn chương trình tốt để học. Tôi tham gia chương trình Cao học Việt Nam - Hà Lan, nhận bằng Thạc sĩ của Đại học Erasmus (Hà Lan). Đây là chương trình đào tạo về kinh tế phát triển uy tín; chương trình đào tạo bằng Tiếng Anh được giảng dạy bởi các học giả quốc tế uy tín. Học viên tốt nghiệp chương trình này làm việc trong các tập đoàn lớn, tổ chức phi chính phủ, cơ quan chính sách nhà nước... Tôi chọn trở thành giảng viên đại học với mong muốn được làm sứ giả của tri thức, là cầu nối đưa các bạn trẻ đến với bến bờ tri thức bao la của nhân loại, là người thầy giúp các em trưởng thành và thành công. Sau đó, tôi tiếp tục học Nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Strasbourg (Cộng hòa Pháp).

Cơ duyên nào đã khiến Thầy chọn UMT trong sự nghiệp giảng dạy của mình?

Tôi biết danh tiếng của TS. Huỳnh Bá Lân (Chủ tịch Hội đồng Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM) từ thời Thầy còn ở Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM. Mãi đến đầu năm 2021, tôi mới có cơ duyên trò chuyện cùng Thầy. Trong buổi trò chuyện đó, tôi chỉ đơn giản là chia sẻ những ước mơ, hoài bão của mình về việc xây dựng một đại học danh tiếng quốc tế tại Việt Nam.

Trước đó, tôi từng tham gia một nhóm với các Giáo sư ở Pháp, Mỹ, Úc. Chúng tôi có cùng mơ ước là xây dựng một trường đại học kinh tế Việt Nam có thương hiệu và xếp hạng quốc tế, nhằm góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước nhà. Tuy nhiên, việc xây dựng một trường đại học mới rất gian nan. Đến khi gặp TS. Huỳnh Bá Lân, nhà sáng lập UMT, tôi cảm nhận được cái tâm và hoài bão lớn của Thầy về giáo dục, đó là điều mà tôi cũng đang ấp ủ.

UMT là một trường đại học hoàn toàn mới, đó là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tôi có thể đóng góp khả năng trong công cuộc hình thành, phát triển UMT thành trường đại học chất lượng quốc tế uy tín. Có thể nói, tôi tham gia và gắn bó với UMT từ những ngày đầu chỉ đơn giản là vì tình cảm với TS. Huỳnh Bá Lân và tâm huyết của Thầy dành cho sự nghiệp giáo dục.

Vậy kỳ vọng của Thầy đặt vào Khoa Kinh doanh tại UMT có lẽ là nhiều lắm?

UMT là trường đại học còn non trẻ nhưng có hoài bão và mục tiêu lớn. Vì vậy, Trường cần xác định rõ phân khúc đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Riêng Khoa Kinh doanh tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà hiện nay thị trường đang thiếu và có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Chất lượng cao thể hiện ở đây là gì? Có 3 yếu tố:

  • Yếu tố thứ nhất, sinh viên UMT có đủ khả năng chinh phục mức lương cao nhất phân khúc. Ví dụ trong phân khúc công việc nào đó, thị trường có mức lương dao động từ 500 – 2.000 USD/tháng thì sinh viên UMT có thể chinh phục mức 1.500 – 2.000 USD/tháng.
  • Yếu tố thứ hai, sinh viên UMT được đào tạo để trở thành các nhà quản lý cấp trung, lãnh đạo trẻ trong thời gian sớm nhất.
  • Và yếu tố thứ ba, sinh viên UMT được phát triển tinh thần doanh chủ, khả năng tư duy và sáng tạo vượt trội, giàu nghị lực lập nghiệp và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp. 

Vậy làm thế nào sinh viên Khoa Kinh doanh tại UMT có thể đạt được 3 tiêu chí trên khi ra trường thưa Thầy?

Thứ nhất là sinh viên UMT được đào tạo và huấn luyện để giỏi kiến thức chuyên môn, đây là điều kiện cần. Vì vậy, chương trình đào tạo của UMT được xây dựng theo chuẩn kiểm định quốc tế ACBSP của Mỹ dành cho các ngành khối Kinh doanh. Chương trình được xây dựng dựa trên phân tích và tích hợp chương trình đào tạo của các trường đại học uy tín quốc tế, thảo luận chuyên sâu, tư vấn từ các học giả đầu ngành và các chuyên gia/quản lý đến từ doanh nghiệp. Với phương châm đào tạo “Thực học - Thực nghiệp”, sinh viên không những nắm vững lý thuyết nền tảng mà còn có năng lực và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp để làm việc ngay sau khi ra trường.

Thứ hai là giỏi tiếng Anh, không những lưu loát trong giao tiếp mà còn có khả năng sử dụng thành thạo chuyên môn như: đọc, dịch tài liệu, đàm phán với đối tác quốc tế; có khả năng tự học nâng cao tri thức và phát triển năng lực nhờ vào khả năng học tập và tiếp cận thông qua nguồn tài liệu mở phong phú bằng tiếng Anh.

Tại UMT, kết thúc năm nhất, sinh viên sẽ đạt trình độ tiếng Anh B2 (tương đương IELTS 5.5 – 6.0), khối ngành Kinh doanh sẽ dạy một số môn cơ sở ngành và chuyên ngành bằng Tiếng Anh từ đầu năm 2. Như vậy, sinh viên có nhiều cơ hội thuận lợi cho các vị trí công việc tốt, thu nhập cao tại công ty quốc tế, tập đoàn đa quốc gia. 

Thứ ba là sinh viên UMT muốn nhanh thăng tiến, trở thành nhà quản lý hay lãnh đạo trẻ trong thời gian sớm nhất thì cần thêm năng lực tư duy và sáng tạo vượt trội, cầu tiến và có tinh thần cởi mở, tôn trọng sự khác biệt. Tại UMT, tinh thần giáo dục khai phóng được chú trọng và đầu tư từ đầu một cách bài bản. Cụ thể, UMT có 6 môn học khai phóng trường và 6 môn học khai phóng ngành. Tinh thần này được triển khai sâu rộng, không chỉ dừng ở việc hoàn thành các môn học, mà còn được triển khai ở phương pháp giảng dạy trong hầu hết các môn và xuyên suốt các năm tại UMT. Với ưu thế này, sinh viên UMT vừa có khả năng thích ứng với sự thay đổi, vừa có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho bản thân, tổ chức và cộng đồng.

Như vậy đội ngũ giảng viên Khoa Kinh doanh sẽ có tiêu chuẩn như thế nào để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thưa Thầy?

Giảng viên luôn được xem là trụ cột quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo tại UMT. Vì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Khoa Kinh doanh tuyển chọn các giảng viên ưu tú và năng lực xuất sắc có trình độ Thạc sĩ trở lên (ưu tiên Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư) tốt nghiệp từ các trường đại học quốc tế uy tín và thông thạo tiếng Anh.

UMT triển khai nhiều chương trình huấn luyện (coaching) cho sinh viên nên giảng viên phải là các huấn luyện viên tinh nhuệ và giàu lòng nhiệt huyết để huấn luyện và truyền cảm hứng để các em luôn nỗ lực, cố gắng vượt trội nhằm đạt kết quả cao trong học tập, phát triển năng lực cá nhân và chinh phục những cơ hội không giới hạn trong tương lai.

Thưa Thầy, việc thực tập tại doanh nghiệp đối với sinh viên các ngành đều rất quan trọng. Vậy tại UMT, điều này có gì khác biệt hay không?

Theo kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy đại học, thực trạng sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp, phần lớn vẫn còn hình thức kiểu cho có. Chủ yếu thời gian thực tập các em chỉ cưỡi ngựa xem hoa, viết báo cáo và sau đó đem được con dấu xác nhận thực tập về cho trường là xong. Như vậy, các em đã bỏ mất cơ hội rất quý giá để học hỏi hay cọ xát trực tiếp, tiếp thu kinh nghiệm từ thực tiễn doanh nghiệp.

Chính sự trăn trở đó nên khi thiết kế chương trình đào tạo của Khoa Kinh doanh tại UMT, tôi xác định cần phải có sự khác biệt rõ rệt. Những kỳ thực tập doanh nghiệp của sinh viên UMT sẽ là những trải nghiệm hữu ích để tích lũy nhanh nhất kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và phát triển mối quan hệ xã hội. Các doanh nghiệp đối tác sẽ đồng hành tiếp nhận, phân công công việc, hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho sinh viên. Từ đó, giúp sinh viên gia tăng năng lực, rèn luyện kỹ năng tư duy, hiểu rõ quy trình vận hành và văn hóa doanh nghiệp; đồng thời giúp các em mở rộng mối quan hệ, có việc làm và cơ hội thăng tiến tốt.

Giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ có sự kết nối chặt chẽ cũng như có cơ chế, chương trình hành động phù hợp hỗ trợ sinh viên trong kỳ thực tập đạt hiệu quả nhất. Đây là minh chứng xác thực nhất để khẳng định chất lượng đào tạo của UMT nói chung và Khoa Kinh doanh nói riêng.

Xin cảm ơn Thầy đã chia sẻ!