Ngày đăng: 09/08/2022

Tân sinh viên bước vào môi trường đại học với sự háo hức và khát vọng chinh phục những đỉnh cao của tri thức. Tuy nhiên, giai đoạn chuyển tiếp này từ THPT sang Đại học luôn là thời điểm khó khăn, gây ra nhiều bỡ ngỡ, lo lắng cho các bạn. Từ năm thứ nhất, một bộ phận sinh viên chưa thích ứng và hội nhập với ngành học, trường học, từ đó nản lòng rồi nghĩ rằng mình không thuộc về ngành này, trường này. Vậy đâu là giải pháp?

Có muôn vàn lý do để sinh viên suy nghĩ đến việc đổi ngành học:

  • “Sốc” với văn hóa Đại học.
  • Cảm thấy không thích hợp với môi trường sống mới.
  • Thi rớt môn.
  • Quá tải với lịch học, thi cử.
  • Cho rằng mình chọn sai ngành...

Dù lý do là gì, hãy đảm bảo rằng bạn đưa ra quyết định trong trạng thái tinh thần sáng suốt và minh mẫn, không bị áp lực bên ngoài, và nhất là không vội đưa ra quyết định trong một thời điểm đặc biệt - đang xúc động hoặc dễ bị tổn thương.

Để chắc chắn rằng bạn đã cân nhắc kỹ càng trước khi thực hiện chuyển đổi ngành học, bạn cần tự hỏi bản thân mình thật kỹ. Sáu câu hỏi sau sẽ giúp bạn sẽ hiểu rõ hơn đó có phải là quyết định đúng đắn dành cho bạn; và chính bạn là người quyết định, không bị bất cứ ảnh hưởng bởi cha mẹ, bạn bè hay bất kỳ ai khác. Hãy viết các câu trả lời của bạn ra giấy, và xem lại các câu trả lời của mình thường xuyên mỗi khi bạn nghĩ đến vấn đề mình đang gặp phải.

1. Bạn không thích ngành mình đang học?

Khi viết xuống những lý do tại sao mình không thích ngành mình đang học, bạn hãy đồng thời nhớ lại những ngày đầu tiên khi bạn điền đơn đăng ký xét tuyển đại học, điều gì đã thu hút bạn đến với ngành học hiện tại.

Tại sao bạn lại chọn ngành học hiện tại khi đăng ký xét tuyển đại học?

  • Ngành học này có vẻ thú vị?
  • Bạn có nghĩ rằng ngành học sẽ dẫn bạn đến cơ hội việc làm ổn định?
  • Bạn đã hy vọng bạn sẽ vui vẻ khi được học ngành này?
  • Bạn đã từng nói rằng bạn dư sức học giỏi ngành này (hoặc bạn bè, gia đình hoặc giáo viên của bạn đã nói với bạn điều đó)?

Hãy nhớ về những động lực ban đầu của bạn, nghĩ về những ước muốn của bạn khi đăng ký học chuyên ngành hiện tại, và cân nhắc chúng với lý do tại sao bạn không thích.

2. Bạn gặp khó khăn trong học tập?

  • Bạn cảm thấy “ngộp” với lịch học và thi cử ?
  • Bạn bị quá tải với các bài tập và dự án?
  • Bạn rớt nhiều môn trong học kỳ vừa qua?
  • "Choáng” với cách học hoàn toàn khác với môi trường THPT
  • Bạn đã học hết sức mình nhưng kết quả không ổn, và cần ai đó để giúp bạn học tốt hơn?

Năm nhất tuy học đại cương nhưng thật sự không thể học chơi chơi được đâu. Đúng vậy, ngay từ năm nhất Đại học sinh viên đã được yêu cầu nỗ lực và nghiêm túc học tập. Tuy nhiên, mới rớt vài môn hoặc mới thi hỏng 1 học kỳ không có nghĩa là bạn sẽ thi rớt các học kỳ còn lại.

Nếu bạn cảm thấy rằng bạn sẽ rất vui nếu vẫn tiếp tục học ngành đã chọn, miễn là bạn có thể “sống sót” qua các kỳ thi, hãy tìm đến các nguồn hỗ trợ sau đây, và cần nhớ rằng tại UMT bạn sẽ không bao giờ đơn độc.

Bộ phận Tư vấn học tập - Trung tâm Dịch vụ sinh viên: Gồm các chuyên gia sư phạm sẽ đồng hành khi bạn gặp khó khăn trong học tập. Bộ phận hỗ trợ học tập thường xuyên tổ chức các hội thảo, các buổi chuyên đề hướng dẫn các mẹo và thủ thuật để phát huy hết tiềm năng của bạn trong trường học. Ngoài ra, bạn sẽ được kết nối với đội ngũ "Academic Advisor" để hỗ trợ việc học tập của bạn. Đội ngũ này có thể là:

  • 1 chuyên gia hoặc giảng viên chia sẻ với bạn kinh nghiệm học tập từ bản thân và cố vấn cho bạn phương pháp học tập hiệu quả nhất
  • 1 sinh viên giỏi (tutor). Các sinh viên này đã được UMT chọn lọc và phải trải qua buổi huấn luyện kỹ năng sư phạm

3. Bạn cảm thấy ngành học không còn phù hợp với bản thân?

  • Ngành học không đúng với sở thích của bạn?
  • Bạn chọn ngành học theo nguyện vọng của gia đình hoặc theo rủ rê của bạn bè?
  • Bạn không chắc ngành mình học có còn hợp với mình không nữa
  • Bạn mong muốn được theo đuổi con đường nghề nghiệp khác

Hãy tìm đến chuyên viên hướng nghiệp (CVHN), bạn sẽ được thực hiện các trắc nghiệm chuyên sâu giúp bạn hiểu rõ bản thân và các kế hoạch giúp bạn xác định nghề nghiệp phù hợp. Ngoài ra CVHN sẽ tư vấn cho bạn các hoạt động tìm hiểu ngành nghề, đầu ra của chuyên ngành đào tạo để giúp bạn có cái nhìn cặn kẽ hơn khi đưa ra quyết định đổi ngành.

4. Bạn cảm thấy cô đơn trong môi trường học tập?

  • Bạn vẫn chưa quen với môi trường Đại học?
  • Bạn gặp khó khăn trong việc kết bạn?
  • Bạn cảm thấy buồn khi phải sống một mình nơi đất khách quê người

UMT là ngôi trường hạnh phúc. Bạn không còn cảm thấy cô đơn hay buồn bã vì luôn được mọi người quan tâm và hỗ trợ. Đội ngũ sư phạm không những hỗ trợ mà sẽ lắng nghe bạn, và giúp bạn kết nối với những sinh viên khác dễ dàng hơn.

Phòng Công tác sinh viên: Hãy đến với phòng Công tác sinh viên để đăng ký tham gia các câu lạc bộ, qua đó tham gia các hoạt động trải nghiệm, có cơ hội kết nối nhiều bạn bè từ các vùng miền và ngành học.

Trung tâm Dịch vụ sinh viên: Hãy đăng ký những khóa học kỹ năng giúp bạn hòa nhập với môi trường Đại học hoặc thích nghi với mọi sự thay đổi.

5. Bạn có khó khăn về tài chính?

  • Bạn cảm thấy mệt mỏi vì vừa đi học vừa đi làm kiếm tiền đóng tiền học?
  • Gia đình gặp khó khăn về tài chính?

Tại UMT có các chính sách tài chính có thể hỗ trợ bạn. Hãy liên lạc với One UMT Hub để được tư vấn và hỗ trợ.

6. Các vấn đề khác bạn cần cân nhắc

  • Bạn đã tìm hiểu về Quy chế đào tạo và đáp ứng các điều kiện để chuyển ngành?
  • Những môn bạn học có được chuyển điểm qua ngành học mới?
  • Bạn vẫn đảm bảo mình có đủ thời gian để đi học các môn học mới?
  • Bạn có chắc chắn mình sẽ không rớt môn nữa khi chuyển ngành?

Việc học tập của bạn cần đầu tư nhiều về thời gian và tiền bạc, bạn nên có quyết định chắc chắn để có những trải nghiệm học tập thú vị và tốt nhất. 

Hãy đến tham quan, khám phá các hoạt động và tận hưởng các dịch vụ của Trung tâm Dịch vụ sinh viên và phòng Công tác sinh viên nhé các bạn.

Tin liên quan