TS. NGUYỄN TRÀ GIANG, VIỆN TRƯỞNG VIỆN KHOA HỌC VÀ QUẢN LÝ THỂ DỤC THỂ THAO: “SAU 15 NĂM LÀM VIỆC TẠI HƠN 35 QUỐC GIA, TÔI LUÔN MUỐN ĐÓNG GÓP CÔNG SỨC CHO VIỆT NAM”

Ngày đăng: 05/05/2022

TS. Nguyễn Trà Giang, bạn bè quốc tế và Việt Nam thường gọi Cô với cái tên Jane Nguyễn, Viện trưởng Viện Khoa học và Quản lý thể dục thể thao, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT), là hình mẫu của sự năng động, trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết với nghề.

 

Một cô gái biết chơi hơn 20 môn thể thao, từ bóng bàn, tennis, cầu lông, bóng rổ, golf, lướt ván biển, leo núi, chèo thuyền, bơi lội… lúc nào cũng có thể bật cười sảng khoái và luôn tự hào khi được chia sẻ về ngành Quản lý thể dục thể thao (QLTDTT), một ngành học còn khá mới mẻ tại Việt Nam mà TS. Jane Nguyễn là một trong những người đặt nền móng với rất nhiều hoài bão.

Cô từng chia sẻ bản thân tốt nghiệp ngành Giáo dục thể chất vì ngày trước chưa hề có ngành QLTDTT tại Việt Nam. Nhưng vốn là một người ham học hỏi, Cô đã không ngừng tìm tòi từ sách báo, tài liệu những nguồn kiến thức bên ngoài lớp học và điều đó đã mang đến cho Cô những bước ngoặc lớn trong đời.

Nhận thấy môi trường thể thao còn rất nhiều điều hay, mới lạ bên cạnh những ngành học thể thao truyền thống hay giáo dục thể chất, TS. Jane Nguyễn đã không ngừng nỗ lực, rèn luyện. Và khi cơ hội đến, Cô đã quyết định sang Thái Lan để tìm kiếm con đường phát triển khác biệt cho bản thân. “Sau khi tốt nghiệp cử nhân, tôi được giữ lại trường làm ở Phòng Hợp tác quốc tế và học tiếp lên Thạc sĩ. Trong một lần tình cờ được tiếp xúc với đoàn giáo dục đến từ Thái Lan, tôi nhận thấy có nhiều cái mới rất thú vị, trùng hợp với những mong mỏi của bản thân là muốn đóng góp nhiều hơn cho ngành Thể thao Việt Nam. Và tôi đã quyết định sang Thái Lan để bắt đầu dấn thân vào đam mê của mình”, Cô chia sẻ.

Xin chào TS. Jane Nguyễn, Cô có thể chia sẻ thêm về những khó khăn, thử thách của bản thân khi theo ngành QLTDTT còn khá mới này?

Khó khăn và thử thách à? Đầu tiên, có thể kể đến là tôi hoàn toàn học những điều mới lạ từ con số 0 dù đã tốt nghiệp cử nhân ngành Giáo dục thể chất, mọi kiến thức là mới hoàn toàn.

Tiếp theo là ngôn ngữ, tất cả tài liệu bằng tiếng Anh, tôi phải tìm cách dịch từng từ một bằng cái máy từ điển nhỏ xíu chứ làm gì có Google dịch như bây giờ. Thậm chí có những từ chuyên môn không thể dịch sang tiếng Việt vì ngành Quản lý thể dục thể thao còn quá mới nên tôi phải tự dịch và soạn một bộ từ điển riêng để dùng luôn.

Rồi trong quá trình học hay nghiên cứu đề tài, khi cần tham khảo và tìm tài liệu, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì ngành mới chưa có tại Việt Nam thì làm gì có tài liệu tham khảo. Đặc biệt là những bộ tài liệu thực tế là hoàn toàn chưa có.

Hiện nay, Cô là một trong nhiều người có học vị Tiến sĩ ngành Quản lý thể dục thể thao?

Ở Việt Nam hiện nay, tôi là người tốt nghiệp đầu tiên về ngành QLTDTT năm 2013, Thạc sĩ và Tiến sĩ đúng ngành luôn. Năm tôi bảo vệ Tiến sĩ thành công là lúc 29 tuổi. Hiện nay có thêm một một bạn nữa vừa tốt nghiệp ngành này. Vậy là chỉ có 2 người học đúng ngành đúng nghề. Còn lại hầu hết mọi người tốt nghiệp Giáo dục học, chuyên ngành Giáo dục thể chất hoặc Huấn luyện thể thao.

Làm sao để biết ai phù hợp theo ngành QLTDTT thưa Cô?

Theo tôi, QLTDTT là ngành học phù hợp với các bạn có niềm đam mê quản lý thể thao, nhận thức được rằng thể thao là sức khỏe và là yếu tố hàng đầu trong cuộc sống, có sức khỏe thì mới thực hiện được đam mê hoài bão. Đam mê là yếu tố đầu tiên nhưng không phải chính yếu, nhận thức về sức khỏe mới là yếu tố quan trọng. Vì khi đó các bạn sẽ mong mỏi được học tập, tiếp thu kiến thức làm thế nào để quản lý, xây dựng một chương trình tập luyện thể lực; đến các câu lạc bộ thể thao tập luyện; thiết kế các sản phẩm thể thao phù hợp với từng đối tượng.

Đặc biệt, ngành này không chuyên về huấn luyện thể thao nên không đòi hỏi quá nhiều về tố chất thể lực. Các bạn sẽ được đào tạo cơ bản về chuyên môn thể thao, nâng cao kỹ năng tổ chức, quản lý, điều hành… Và chắc chắn sẽ đảm bảo cơ hội việc làm rất tốt cho các bạn sau khi ra trường với hệ sinh thái doanh nghiệp, đối tác của nhà trường.

Với một ngành học còn khá mới như QLTDTT, các bạn vận động viên có phù hợp theo học ngành này không?

Ngành QLTDTT không chỉ dành cho học sinh, sinh viên mà rất phù hợp cho cả vận động viên nữa. Vì sao vậy?

Hiện nay, thành tích thể thao của Việt Nam tại Đông Nam Á nằm trong top đầu tại các giải thi đấu, số lượng vận động viên có tuổi đời còn khá trẻ, từ 17 - 25 rất nhiều. Nhưng các vận động viên đang hoặc sau khi thi đấu không biết phải tiếp tục phát triển sự nghiệp theo hướng nào khác ngoại trừ trở thành giáo viên Giáo dục thể chất hay huấn luyện viên. Trong khi một số bạn rất có tố chất, thích học quản lý hay kinh doanh nhưng lại không có được môi trường đào tạo, hướng dẫn. Và ngành QLTDTT sẽ giúp các bạn thực hiện ước mơ của mình, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn sau khi ngừng thi đấu.

Bạn biết đó, vận động viên, huấn luyện viên đã có trình độ chuyên môn rất giỏi rồi, chỉ cần cung cấp thêm kiến thức quản lý, quản trị, marketing, truyền thông thể thao… Các bạn sẽ phát triển trong những ngành nghề đầy tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội hơn với các vị trí quản lý đội thể thao, quản lý và tổ chức sự kiện thể thao quốc tế, quản lý hay kinh doanh phòng tập gym, làm chủ cửa hàng đồ thể thao, dịch vụ thể thao… Và từ những hướng đi đó, các bạn sẽ có cơ hội tăng thu nhập, làm kinh doanh, tiếp tục ủng hộ và phát triển các dự án thể thao cho xã hội, truyền tải đam mê tích cực đến các thế hệ trẻ yêu thể thao.

Một ngành học còn quá mới với nhiều khó khăn, thử thách, sao Cô lại chọn về Việt Nam thay vì phát triển sự nghiệp tại nước ngoài với môi trường thuận lợi và chuyên nghiệp hơn?

Nói sao thì dù gì tôi cũng là người Việt Nam. Tính ra tôi đã có 15 năm làm việc tại hơn 35 quốc gia, hợp tác với các trường đại học tại Hong Kong, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Mỹ… Tôi nhận thấy vận động viên nước ngoài rất tự tin, thông minh, biết tổ chức chương trình, làm dự án, tình nguyện viên bên cạnh chuyên môn chính thì tại sao vận động viên Việt Nam cũng rất giỏi, rất thông minh nhưng chưa làm được? Vì chưa có ai hướng dẫn cho các vận động viên của mình. Và tôi muốn trở thành người hướng dẫn các bạn. Tôi trở về với mong muốn đóng góp một phần công sức vào việc xây dựng và phát triển ngành QLTDTT tại Việt Nam.

Cô có thể chia sẻ về ngành QLTDTT tại Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT) không ạ?

UMT xây dựng QLTDTT với 3 chuyên ngành chính: Quản lý thể thao và Fitness, Quản lý thể thao và sự kiện, Quản lý và kinh doanh thể thao.

Chương trình đào tạo QLTDTT tại UMT được xây dựng với mục đích đào tạo đội ngũ các nhà khởi nghiệp sáng tạo, chuyên gia, quản lý cấp cao, chuyên viên tư vấn và vận hành kinh doanh chuyên nghiệp đạt chuẩn quốc tế trong ngành TDTT.

Với sự tham gia cố vấn và đào tạo của Giáo sư từ các trường đại học nổi tiếng về QLTDTT trong khu vực, chương trình học mang tính thực tiễn cao gắn liền giữa khối kiến thức, kỹ năng quản trị cơ bản, quản trị kinh doanh, kết hợp với trải nghiệm doanh nghiệp thực tế thông qua chương trình kiến tập, thực tập tại các tập đoàn lớn về kinh doanh Fitness và TDTT như: Fitness First, California Fitness & Yoga, Elite Fitness, Adidas, Nike, Puma, Grand Sport, Warrix; các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp như: Hoàng Anh Gia Lai, Buriram United, Muangthong của Thái Lan; các tàu du lịch lớn có nhiều hoạt động thể thao và giải trí như: Symphony of the Seas, Harmony of the Seas, Oasis of the Seas…

Điểm khác biệt của ngành QLTDTT tại UMT là đào tạo người học đúng theo nhu cầu thực tế công việc đang có trên thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Với những gì đang làm hiện nay, Cô có cảm thấy mình đã chọn đúng con đường sự nghiệp mong muốn?

Thật sự tôi thấy vui và hạnh phúc vì đã chọn QLTDTT, được đi dạy ngành yêu thích, có thể chia sẻ và truyền lại kinh nghiệm của bản thân cho lớp trẻ, đặc biệt là các vận động viên, giúp các bạn có kiến thức, kinh nghiệm thực thụ để cùng tôi phát triển, xây dựng đội ngũ thế hệ trẻ, thế hệ vận động viên giỏi về công tác quản lý, quản trị trong thể thao tại Việt Nam.

Bên cạnh đi dạy, tôi đã ứng dụng được những kiến thức vào công tác quản lý đội khúc côn cầu ở Thái Lan, giành nhiều giải thưởng lớn tại World Cup, Olympic, Á vận hội mùa đông… điều mà phải mất rất nhiều năm một đội mới đạt được và tôi cảm thấy rất tự hào, rất vinh dự.

Tôi mong rằng bằng niềm khát khao mãnh liệt của bản thân, tôi và UMT sẽ xây dựng, phát triển thành công ngành QLTDTT, nơi đào tạo nên những cá nhân xuất sắc nhất cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của Cô!